Mẹ, thơm một cái
Phan_4
29/11/2004
Bây giờ là 11 giờ trưa. Lượng thuốc Ara-C còn 98.
đang ngồi sung sướng trên giường phụ của bệnh viện, thay phiên cho anh cả về nhà ngủ bù.
Mẹ ngủ không yên cho lắm, trở qua trở lại, thỉnh thoảng còn mở mắt. Mẹ bị giảm cảm giác thèm ăn, đại tiện khó khăn. Tôi nghĩ một là vì thành phần máu bị mất cân bằng, nhưng chắc người bệnh nằm lâu ngày sinh cảm giác mệt mỏi cũng là một nguyên nhân nữa. May mà mẹ rất có tinh thần hợp tác, cố gắng ăn, và cũng bắt đầu uống Ensure bổ sung protein liều cao.
Lâu lắm trong nhà chẳng có tin gì vui.
May thay thành phần nhiệt huyết nhất trong máu tôi mà mẹ dày công bồi dưỡng đang phát huy tác dụng quyết định.
Ba tháng trước bắt đầu chuẩn bị gửi bản thảo tham dự giải Truyện phim Comic một triệu. Giải có số tiền thưởng cực nhiều này mới được công bố vào tháng Bảy, nhưng hạn nộp bài lại vào đầu tháng Mười một, rất gấp. Giới hạn số chữ từ tám vạn đến mười ba vạn. Tiền thưởng giải nhất một triệu tệ, đồng thời chuyển thể thành phim thần tượng. Giải nhì mười vạn, giải ba tám vạn, và năm giải truyện hay. Ban đầu tôi định đem truyện đang viết Tình yêu, hai hay ba dở dự thi, nhưng Comic Ritz vốn đã rất ưng ý truyện này, cố ý thẩm định để quay thành phim, bản thân tôi cũng vừa ký hợp đồng sáng tác cho Comic Ritz. Nếu làm như thế mà nhỡ đoạt giải khác gì gian lận của gian lận.
Nhưng vì tôi chỉ muốn giành giải nhất, không muốn các giải khác, bèn nghiên cứu toàn bộ tình hình chung các tác phẩm chưa công bố và thậm chí các cốt truyện chưa sáng tác, thấy rất rất ít truyện về tình cảm, trong khi phim thần tượng hầu hết theo hướng đó. Thế nên tôi không quan tâm lắm vụ này nữa, thỉnh thoảng còn phàn nàn một tí về khoảng cách quá lớn giữa giải nhất với giải nhì.
Mãi đến cuối tháng Tám, tôi bắt đầu sáng tác Đồng nhân thứ tám của Thiếu Lâm tự, tốc độ mỗi ngày năm ngàn chữ, băng đèo vượt núi, giữa tháng Mười viết xong. Tổng số một trăm hai chín nghìn chữ, suýt soát kịch phim. Câu chuyện này càng nghĩ càng thấy thú vị, cũng có những khe hẹp để thẩm thấu chút yếu tố tình yêu. Quan trọng là, tôi đã viết liên tiếp ba câu chuyện tình, ngán rồi, muốn thay đổi chút vận may.
Ban đầu nội dung chính của Đồng nhân thứ tám của Thiếu Lâm tự dài khoảng hơn năm trăm ngàn chữ, tôi lược bỏ mấy nội dung miêu tả rất tinh tế hấp dẫn của tuyến phụ, mới miễn cưỡng rút gọn được xuống dưới mười ba vạn. Nếu có biên kịch tay nghề cao, có lẽ có thể nhìn thấy triển vọng phát triển của các tuyến nội dung phụ bị cắt bỏ đó. Chỉ cần tư duy một chút, những tình tiết đó sẽ tràn ra không dứt.
Nhưng tuyến phụ hay không phải là trọng tâm vấn đề. Tham gia cuộc thi nào cũng thế, tôi chỉ có một yêu cầu đối với sản phẩm của mình: “Đẹp mắt!” Vì vậy tôi không dùng cách viết kịch bản, cũng chẳng sử dụng quá nhiều đối thoại, mà sử dụng triết lý kịch bản phân cảnh “truyện tranh + điện ảnh” quen thuộc của mình để kể chuyện.
Trong một trăm nguyên nhân khiến tôi kể chuyện rất xuất chúng, tôi quan tâm đặc biệt tới một điều: “Nếu xóa sạch trơn tất cả đối thoại, câu chuyện có còn đẹp đẽ hay không”, cũng có nghĩa là dùng “ống kính zoom xa” để quan sát toàn bộ câu chuyện có đầy đặn phong phú hay không, chứ không phải cái thứ hàng kém chất lượng - không có nội dung chỉ biết đánh rắm bằng mồm.
không phải. Đương nhiên sẽ không phải. Câu chuyện này đã đi một đường quyền cực kỳ lâm li hào hùng.
Ngoài nhiệt huyết, tôi đã tra cứu rất nhiều tài liệu về võ thuật và lịch sử, không ngừng xuyên tạc chắp nối, cuối cùng đã đẻ ra được một nhân vật anh hùng vô danh tiểu tốt, hiên ngang đứng giữa khe hở cực lớn của lịch sử. một thủ pháp mà tôi rất ưa thích, rất Cửu Bả Đao. Viết đến về sau, tôi rưng rưng nước mắt, trong lòng tâm niệm: “Ôi, chỉ muốn mọi người đều biết, bản chất của tôi vẫn là nhiệt huyết bừng bừng, còn tình yêu chỉ là thứ ảo ảnh đẹp đẽ mà thôi.”
Sau đó, tôi nhận được thông báo của Comic Ritz, mời tôi Chủ nhật đến Trung tâm thương mại thế giới nhận giải thưởng.
Xù và tôi đến sớm lượn lờ chỗ NewYork NewYork bên cạnh, bấy giờ mới mua một cái sơ mi đàng hoàng để mặc, trước kia lúc nào cũng rất tuềnh toàng. Ban đầu tôi tưởng chỉ ai đoạt giải mới được mời tham gia. Đến nơi mới biết có mười lăm người. Vậy là sẽ có bảy khuôn mặt nặng nề ngồi lại phía dưới. Tôi không cho rằng mình thuộc số đó, nhưng tôi cũng không cho rằng đoạt một giải nào đó không phải giải nhất là điều đáng vui mừng.
Gặp lại Chim Táo hôm qua cũng đến nói chuyện ở đại học Sư phạm, và chủ nhân của giải vàng một triệu mà tôi rất hâm mộ: Mậu Tây. Ba chúng tôi ngồi cạnh nhau, Chim Táo bên trái tôi, Mậu Tây bên phải, Xù ngồi sau sờ soạng tôi.
Gặp Chim Táo thật vui, không nhịn được chia sẻ với cậu ấy cảm tưởng và một vài tiếc nuối trong buổi nói chuyện hôm qua. Tôi đã đọc truyện của Chim Táo, chữ nghĩa dùng rất hay, và cũng cảm nhận được chiều sâu và khí chất của Chim Táo qua buổi nói chuyện. Chim Táo là một người rất chân thành. Khi tôi nói “đã đến đây, thì chỉ có một mục đích, là bắt được vua”, cậu ấy cũng không giả vờ khiêm tốn với những câu vớ vẩn như kiểu “Được giải đã là một sự khẳng định”, chỉ khựng lại một chút, rồi vui vẻ đồng ý.
Mậu Tây mang lại cho tôi cảm giác: “Úi chà, một bậc cha chú đáng nể.” Chắc hẳn là thuộc trường phái sáng tác vừa rượu vừa thuốc. Mậu Tây toát ra một sự kiêu hãnh rất tự nhiên, khi nói thẳng: “Tôi nghĩ cái giải này, nếu không được nhất thì thà đừng được giải nữa.” Trong lòng tôi bất giác nảy sinh sự kính trọng, “Quả nhiên, người giỏi giang đều có suy nghĩ như vậy.”
trên sân khấu còn chưa bắt đầu khai mạc, Chim Táo và tôi đã xoa nắm đấm, đứng ngồi không yên, tay cầm bình nước suối cứ thế nốc, nốc tới mức thiếu đường tè dầm, phải nhờ Mậu Tây trông giùm chỗ ngồi để đi giải quyết. Tôi đề nghị khi Tiêu Tường lên sân khấu trao giải, hai thằng dùng dây thun bắn vào bộ ngực đẹp đẽ của cô ấy, đến lúc người đẹp Tiêu phẫn nộ tìm hung thủ trong đám đông, bọn tôi sẽ giá họa cho chú Mậu Tây.
Lễ khai mạc vừa bắt đầu, ba người chúng tôi liền thành ra đối thủ của nhau, tôi phải xoa xoa tay để giải tỏa căng thẳng. âm thầm quan sát Mậu Tây, vị này luôn luôn bình thản, đúng là đáng nể, không hổ danh một tay ghê gớm từng giật giải thưởng một triệu.
Chim Táo lên sân khấu đầu tiên, giải khuyến khích. Tác phẩm là Bức vẽ đẹp đẽ ấy, được ban giám khảo dành cho những nhận xét rất tốt. Điểm yếu chỉ là nhân vật không sống động cho lắm. Đầu tôi nóng rừng rực, chỉ biết nốc nước khoáng liên hồi. Mậu Tây vẫn ung dung, hai tay đút túi.
Kết quả Mậu Tây giải ba, Tiêu Tường công bố. Tác phẩm là Chuyện tình Đài Bắc.
“Tệ!” Mậu Tây cười khổ với tôi, buông một chữ này trước khi lên nhận giải. Nụ cười khổ sở ấy làm tôi rất xúc động.
Nụ cười khổ của Mậu Tây chứa đựng sự tự tin và cả chân thành đối với bản thân. Chú ấy nhất định đã nhận ra tôi là người có thể giao tiếp theo kiểu “kiêu hãnh dịu dàng”, chứ không phải hạng “khiêm tốn giả tạo”. Vì vậy sự xúc động này phần nào đến từ suy nghĩ của bản thân tôi, là Mậu Tây công nhận và khẳng định giá trị của tôi.
Mậu Tây đứng bên cạnh người đẹp Tiêu, vẻ mặt bình thản không hề thay đổi, còn tôi bắt đầu lo lắng lung tung. May quá, giải nhì được công bố mau lẹ, là tác phẩm viết chung của Hạ Bội Nhĩ và bạn gái Ô Nô Nô, Chung cư Bohemia.
Trong thời khắc công bố giải nhì, tôi lại một lần nữa lý giải rõ ràng cá tính mình.
“Mình được giải nhất rồi.” Trong lòng tôi bừng sáng, bắt đầu “vươn thở” đầy chắc chắn: “không còn khả năng nào khác!” Động tác này về sau bị Xù chửi là quá tự kiêu, nếu thua thì thật là ê mặt.
Thua thì cũng rất có thể chứ, tôi không bài xích sự thua. Nhưng lòng tự tin cao ngất thì dù thế nào cũng phải duy trì. Bất kể thua thế nào, thua mấy lần, cũng không cướp đoạt nổi sự tự tin, ấy mới là tự tin thực sự. Nếu không thì chỉ là cái vỏ bọc mong manh mà thôi.
Quả nhiên, khi Tiêu Tường nói, truyện đoạt giải nhất tên gọi rất giống tên thuốc gì nhỉ… 18 đồng nhân hành khí tán, nắm tay tôi siết thật chặt, bước nhanh nhẹn lên sân khấu, dùng một biểu cảm rất ngô nghê chụp ảnh. Phê thật, nhưng ngại quá, tôi đã chuẩn bị trước bài phát biểu cảm tưởng khi giành giải nhất. Những cảm tưởng này, mỗi khi ai đó hỏi mục đích sáng tác của tôi, tôi lại tua lại một lần.
Đại khái là: Cảm ơn mẹ, dù cho được giải gì cũng phải cảm ơn mẹ. Viết lách năm năm nay, mục đích sáng tác thay đổi liên tục, theo mỗi giai đoạn. Nhưng mãi hai năm trước tôi mới ngộ ra giấc mơ của mình, đó là trở thành người kể chuyện giỏi nhất, kể được nhiều chuyện nhất, có thể dùng nhiều phương thức nhất để kể nhiều loại truyện trong giới văn học thông thường của Đài Loan. trên thế giới này có lẽ thực sự tồn tại những giấc mơ mà có cố gắng bao nhiêu cũng không thể đạt tới, nhưng nếu nỗ lực gấp trăm lần để đổi lấy chỉ còn cách giấc mơ đó một hơi thở, thì tôi sẽ thực hiện, để rồi bị chính mình làm cho cảm động tả tơi. Bởi vì, những giấc mơ nếu nói ra sẽ bị chê cười, thì mới có giá trị theo đuổi, dẫu có ngã xuống, tư thế cũng rất can trường. Xin cảm ơn. Thích quá.
Tiếp theo là nhân vật số một của công ty Comic Ritz, chị Sài, ngượng nghịu nói mấy câu: mặc dù tôi là nhà văn hợp đồng của Comic Ritz, nhưng vẫn không có cách nào để tôi không đoạt giải lớn vì các đánh giá phải công bằng. Lúc đó bụng tôi tự nhủ: “À, mình cũng dữ lắm chứ bộ.” Chỉ mong sao truyện này mau chóng được xuất bản ra thị trường.
Micro được trao cho vị đạo diễn tham gia hội đồng giám khảo. Nhận xét của đạo diễn rất đúng trọng tâm, không hề vượt quá những gì mà các bạn độc giả trên mạng, những người luôn luôn sát cánh cùng quá trình sáng tác của tôi đã biết.
Đạo diễn bảo: “Đề tài của truyện thoạt xem hơi cũ kỹ, vẫn là Thiếu Lâm tự. Nhưng lại có thể dùng những thủ pháp thể hiện mới mẻ đến thế… cảm giác hình ảnh rất mạnh, như vừa quay xong trọn bộ vậy… Toàn bộ câu chuyện không có chỗ nào bị hụt hẫng, lúc nào cũng ở cao trào… cực kỳ lợi hại…” Khà khà, hy vọng sớm được thấy câu chuyện rất KUSO này trên màn ảnh ti vi.
Sau đó, toàn bộ tác giả đoạt giải cùng chụp ảnh trên sân khấu. Tôi liên tục làm những biểu cảm kỳ quặc.
Lúc xuống khỏi sân khấu, chú Mậu Tây đứng bên dưới bắt tay tôi một cách rất phong độ.
“Giờ đã biết cảm giác đoạt giải một triệu là thế nào rồi nhỉ?” Chú Mậu Tây cười.
Tôi cười cười.
Khoan khoái thật. Có lẽ chú Mậu Tây muốn nói là khoan khoái.
“Mẹ ơi, con mới kiếm được một triệu, mẹ yên tâm chữa lành bệnh nhé!” Tôi thông báo tin vui cho mẹ qua điện thoại. Mẹ rất mừng, sau đó xem ti vi suốt buổi tối, hy vọng nhìn thấy vẻ nhơn nhơn tự đắc của thằng con mình.
Nhưng khoan khoái chỉ là cảm xúc nhất thời. Cảm giác rõ ràng nhất của tôi là trút được gánh nặng.
Gia đình hiện tại nợ năm triệu, ba anh em vẫn còn đi học, mà tiền khám chữa bệnh của mẹ chỉ mới bắt đầu. Tôi rất mừng vì một triệu này là của mình, chẳng hề cảm thấy tiếc chút nào cho những ai gọi là đối thủ. Dường như thượng đế khẽ giật vạt áo của tôi, ghé tai thầm thì: “Này, chăm sóc mẹ cẩn thận nhé!”
Chứ sao, còn cần ông nói nữa à.
Bây giờ là 4 giờ 10 phút chiều. Hôm nay là ngày cuối cùng của đợt hóa trị liệu bảy ngày đầu tiên.
Mẹ bắt đầu kém ăn, nhưng vẫn rất cố gắng ăn chút gì đó, ăn ít nhưng nhiều lần, theo ý thích của mẹ. Mũi có vết thương phải chú ý tránh nhiễm trùng, ống truyền ở tay trái có dấu hiệu rỉ máu, chút nữa y tá đến thay thuốc, thỉnh thoảng lâm vào trạng thái sắp lên cơn sốt, túi chườm đá đã thay hai lần. Vừa xách nửa xô nước lau người giúp mẹ.
Mẹ bảo tôi kéo rèm cửa sổ ra, để ánh sáng tự nhiên chiếu vào phòng, thêm sinh khí.
Tôi cho mẹ xem tấm thiệp động viên của Mặc Mạch, một người bạn trên mạng sau buổi nói chuyện ở đại học Sư phạm, và kể cho mẹ nghe có người muốn phát quả cầu ánh sáng năng lượng để chữa cho mẹ ở cự ly gần, cũng khuyên mẹ sau này hãy tập khí công, trường sinh công v.v… Dĩ nhiên cũng kể cho mẹ nghe chuyện trao giải tối hôm qua và lời phát biểu của tôi, vừa lúc Xuân Tử, một trong các giám khảo gọi điện thoại nói chuyện, bèn kể cho mẹ nghe nội dung đại khái quá trình thảo luận của giám khảo.
Mặc dù tôi rất giỏi, nhưng có lẽ vẫn do tôi từ bụng mẹ mà ra, mẹ tự hào nhất là đã nuông chiều đến mức làm hỏng ba tôi và bà nội tôi.
Bà nội đã rất nhiều năm không thực sự nấu món gì. Mẹ ốm nằm viện, bà nội xung phong vào bếp nội trợ, khiến mọi người thấp thỏm lo lắng.
Sáng nay lúc tôi đánh răng, thấy bà nội đang đổ một âu cơm vào nồi hâm nóng, rồi lặng yên đứng nhìn chúng cháy khét. Tôi gắng bình tĩnh tiếp tục đánh răng, bà nội cũng bình chân như vại, nghiên cứu quá trình diệt vong của chỗ cơm, như một chuyên gia khảo cổ.
Bà nội thật đáng nể. Mấy hôm trước tôi còn được ăn rau xào nhãn hiệu bà nội, đó là một khối dính dính không thể gọi tên, màu xanh lục, sinh thời nhất định là một cây rau xanh tốt, giờ nó nằm trong đĩa, một cục xanh xanh vừa đặc vừa dính, vẫn may mắn hơn nhiều so với thằng út hôm qua phải xơi canh củ cải cứng ngắc.
Mẹ thấy tôi cười, hỏi tại sao.
“Con đang viết về chuyện bà nội bị mẹ cưng chiều quá mức, nấu nướng lung tung.” Tôi trả lời.
Mẹ mỉm cười.
“Thế thì con phải viết thêm một đoạn, kể bà nội bình thường ngồi ăn hay dạy mẹ nấu món này thế nào, món kia nấu sai cách ra sao…” Mẹ nói một lúc cũng bật cười.
Đúng vậy, từ ngày thứ hai mẹ gả về nhà chồng, nhà bếp đã được giao cho mẹ.
Bà nội tuy tốt tính, nhưng là người thế hệ trước, vẫn dùng phương thức xét nét để duy trì quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Mấy năm gần đây, bà nội cùng toàn thể người già ở Đài Loan trở thành khán giả trung thành của các chương trình “Thân thích thì không so đo”, “Rồng bay trên trời”, “Dâu trưởng”, “không hết yêu”, “Tình khó quên” của đài truyền hình Formosa. Trở thành đệ tử của Uông Bổn Hồ, vui vẻ đi thăm thú khắp các nhà họ hàng.
Mẹ ngã bệnh, vừa khéo được nghỉ ngơi sau bao năm vất vả, còn bà nội thì ra sức tìm kiếm những thứ ăn được trong nhà, chỉ mong tranh thủ thanh toán hết trước khi thực phẩm quá hạn sử dụng. Tối, thằng út đem cơm đến, kể rằng bà nội rán một lúc mấy chục cái bánh gạo cho mọi người ăn, khiến anh cả nổi cáu, bảo là không ai ăn như thế cả. Bà nội thanh minh: “không phải bà tranh thủ ăn trước khi hết hạn sử dụng, mà là bà thích món này lắm.” Anh cả càng giận, nói rằng có thích ăn thì cũng không thể ăn thế này được. Vừa nghĩ tới phiên mình về nhà nghỉ, phải đối mặt với đám bánh gạo cao như núi, tôi đã muốn nản.
Ngoài bánh gạo, bà nội còn rán lạp xưởng tới mức cứng quắt như sắt thép, mà vẫn được coi là thực phẩm. Câu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn này cho ta thấy, chỉ cần ta muốn, thì mỗi cái lạp xưởng đều có thể biến thành một cái lạp xưởng… rất cứng.
Thời gian này, mặc dù quyết tâm chăm sóc mọi người của bà nội khiến ai nấy cảm động, nhưng mẹ đang bệnh, phải dựa vào sự chăm sóc của những người có sức khỏe trong nhà. A Di Đà Phật.
“Ba ơi, đồ ăn bà làm không đủ chất dinh dưỡng cho lắm, đa số là tinh bột, chỉ có calo thôi. Con đề nghị mỗi ngày ít nhất một lần ăn ngoài để bổ sung dinh dưỡng.” Tôi nói với ba như vậy.
“Đúng đấy.” Ba nói, vừa nhập thông tin đơn thuốc vào máy tính.
“Thế thì con lên nhà nói với bà ý kiến này.” Tôi nói rồi định đứng lên.
“Ba nghĩ hay bắt đầu luôn từ bữa này đi.” Ba thở dài, như có điều suy nghĩ.
Nghĩ đến hình ảnh sáng nay bà nội và những hạt cơm cháy khét đối đầu với nhau, tôi cắn một miếng bánh bao nhân rau vừa lấy trong tủ lạnh ra hấp lại, hào hứng chuồn ra khỏi nhà, thẳng tiến bệnh viện.
Rốt cuộc ai đã ăn nồi cơm cháy bí ẩn ấy, cứ để cho Conan làm rõ.
30/11/2004
10 giờ sáng, lượng thuốc còn 206. Mẹ vẫn ăn kém. Bữa sáng ăn không hết một cái bánh bao không nhân chấm cháo bột gạo.
Bác sĩ Vương vừa đến lúc nãy, dặn chuẩn bị buổi chiều chuyển giường vào khu cách ly. Y tá giảng giải cần kiểm soát chặt chẽ hơn sau khi cách ly, chẳng hạn không khí chỉ được ra không vào, hạn chế khách đến thăm (ơn ông Trời), mặc trang phục đặc biệt có mũ, mua hai đôi dép lê sạch mới, chỉ được ăn chín uống sôi và trái cây gọt vỏ, mỗi lần chỉ cho phép một người chăm mẹ (gay go rồi).
“Tất nhiên không được đem thú cưng này, hoa tươi nọ kia vào đây. Nếu không biết có được mang vào không, thì phải hỏi phòng hộ lý trước đã.” Y tá dặn, khuôn mặt bịt khẩu trang chỉ còn đôi mắt hình như đang cười.
“Có được mang máy tính vào không ạ?” Tôi chột dạ, chỉ tay vào iBook bên cạnh.
“Được.” Y tá trả lời. Hút chết.
Nếu không được viết truyện trong khi chăm mẹ, nhà xuất bản chắc chắn muốn nhảy lầu. Còn tôi sẽ bị bắt buộc trở thành siêu độc giả đa lĩnh vực. Tôi đã mua sẵn Mật mã Da Vinci, hiện trường tội ác của Lý Xương Ngọc, Hành trình Italia của cá. Tôi nghĩ mình còn thiếu vài cuốn truyện trinh thám. Đằng nào tôi cũng đang thừa kiên nhẫn.
Anh cả gọi cho tôi trước, nói tối muốn đi Quán âm đình ở công viên Tam Giác lễ bái, nguyện với đức Phật là sẽ chép kinh làm công đức cho mẹ, hỏi tôi thấy nên chép mấy lượt.
“Thế thì phải xem chép gì chứ?” Trong đầu tôi hiện ra mấy bài kinh rất dài, hơi lo lắng.
“Đương nhiên là Tâm kinh rồi.” Anh trả lời.
Tôi rất lưỡng lự, con người ta sống trên cõi đời này có rất nhiều việc phải làm. Chép kinh rõ ràng là chiếm rất nhiều thời gian của tôi, mà lại cực kỳ nhiều.
đã bảo rồi, tôi hy vọng có thể duy trì một sự cân bằng thật bền vững.
Tôi tin quỷ thần và các lời mách bảo linh thiêng, tôi cũng tin có “công đức”, nhưng chép kinh hình như chẳng ích lợi gì cho người khác, chỉ là hí hoáy viết, quả thực khó lòng đưa công thức “chép kinh = công đức” vào nhận thức giá trị của tôi.
“Thế thì một trăm lần nhé.” Tôi vẫn đồng ý.
Nếu không coi là công đức, thì ít nhất để xem chữ hiếu có cảm động được ông Trời không.
Ba bị tiểu đường, vừa đến khám ở bệnh viện Chương Cơ, dĩ nhiên ghé thăm mẹ. Tôi cũng bắt đầu thu dọn đồ đạc trong phòng, tưởng tượng xem thế giới của buồng cách ly ra làm sao.
Mỗi lần chỉ cho phép một người nhà ở cạnh mẹ trong buồng cách ly, đồng thời phải giảm thiểu số lần ra vào, nếu không sẽ bị coi là tự nguyện thôi cách ly và bắt buộc chuyển về phòng thông thường. Quy định này có xuất phát điểm là tốt đẹp, không như thế thì cách ly chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng tôi vẫn khó tránh cảm thấy cô đơn sắp đến.
Buổi chiều trước khi chính thức chuyển vào buồng cách ly, mẹ bảo muốn gội đầu cho thoải mái. Hai mẹ con đi thang máy lên tầng năm, thám hiểm tiệm cắt tóc gội đầu của Chương Cơ.
Vóc dáng mẹ nhỏ bé, nhỏ đến mức lúc gội đầu chân không đạp tới bên dưới ghế, phải co chân lên trên, còn tôi đứng cạnh cầm dụng cụ truyền. Mặc dù không khỏe, có vẻ hơi sốt, nhưng mẹ vẫn kiếm chuyện nói với cô gội đầu.
Tạm biệt phòng hai người thông thường, sang buồng cách ly, bụng dạ van vái cho bệnh nhân cùng phòng mới được tốt tính tốt nết, đừng là vô địch giải ăn to nói lớn nữa.
Y tá mặc bộ đồng phục màu hồng nhiệt tình hướng dẫn tôi quy định bảo vệ buồng cách ly.
Trước hết phải đổi đôi dép lê mới sạch sẽ, rửa tay đủ mười lăm giây, đội mũ và đeo khẩu trang xanh lá, mặc áo cách ly rất gợi cảm, dùng bàn chân điều khiển chốt mở các cánh cửa kính.
Nghe tiếng nói và nhìn ánh mắt, tôi đoán cô y tá này nhỏ hơn tuổi tôi một chút, chưa tỏ ra cái vẻ bận rộn đặc trưng của y tá, vóc dáng nhỏ nhắn đáng yêu, còn biết nói cười với bệnh nhân, giúp tôi cầm máy tính. một y tá rất tốt. Nếu mẹ tôi khỏi bệnh, tôi sẽ tặng cô ấy một cuốn sách.
Sau đó tôi bắt đầu nghĩ vớ vẩn. Trong bệnh viện, chuyện tình cảm giữa bác sĩ với y tá chắc hẳn rất thú vị, ai cũng bịt khẩu trang, đứng tận cuối hành lang sờ mó nhau, tự tình với nhau bằng ánh mắt và tiếng nói, và quá bận rộn để ra ngoài hò hẹn. Chắc phải đến ngày cưới hai bên mới nhìn thấy mặt mũi của nhau. Trời ơi dê quá!
Bệnh nhân cùng phòng của mẹ cũng là một bà mẹ, gọi là bà Ngô, cũng bị bệnh máu trắng, làm hóa trị đợt thứ tư, tinh thần rất ổn, suốt ngày xem ti vi. Hôm nay chúng tôi đã xem chiếu lại Thiên địa hữu tình, Bác Điểu Lai và dì Mười Ba, Tình khó quên. Chốc nữa lại xem tiếp.
Bà Ngô và ông Ngô chồng bà rất thích nói chuyện, nên mẹ cũng phấn chấn tinh thần, nói chuyện luôn mồm. Tôi nghĩ thế là tốt. Tôi thích nhìn bộ dạng vui chuyện của mẹ.
Trong câu chuyện lan man hầm bà lằng, tình cờ phát hiện ra bà Ngô và mẹ đều sinh ngày 5/12. Trùng hợp thật, con người gặp được nhau chắc hẳn phải có lý do. Cả hai chắc chắn sẽ khỏi bệnh.
Thời gian này xảy ra rất nhiều chuyện, tự truyện đồng hành cùng mẹ này cũng trở nên phức tạp.
Thứ Bảy đến đại học Sư phạm, tham gia một hoạt động do khoa Ngữ văn ở đó liên kết tổ chức với Trạc Mông Văn học quán của website BBS Vô Danh. Hoạt động gồm triển lãm sách và tọa đàm. Tôi sốt ruột việc chăm sóc mẹ, nên chỉ tham gia nội dung thứ hai.
Do nhớ nhầm giờ, đến sớm hai tiếng đồng hồ, bèn đi tìm một góc cầu thang khuất mắt, mở máy tính ra viết lách. Bất kể ở đâu và khi nào cũng viết được, đó là quan điểm của tôi, chỉ cần cái mông đang được ngồi. Sáng tác, sự khiêm tốn như vậy đã tạo nên đằng sau nó phong cách hoang dã tự nhiên của tôi. Nhưng có ai biết đâu? Đa số mọi người chỉ thấy cái mặt tự đắc của tôi mà không cần hỏi đến lý do.
Chủ đề tọa đàm là mối quan hệ giữa các nhà văn mạng với nhà xuất bản và bạn đọc, tôi cảm thấy chủ đề hơi “phẳng” quá, bèn ngẫu hứng đẩy chủ đề ra xa. Bởi vì tôi là một người thường xuyên chú ý đến các vấn đề như “vì sao ta viết”, “vì sao lại viết theo lối này”, cho nên với những vấn đề liên quan đến mạng, hoặc sáng tác, tôi đều có thể uốn ba tấc lưỡi không cần nháp. Thói quen của tôi là nói từ xa đến gần, làm cho thính giả thấy được nguyên nhân vì sao tôi nói như vậy một cách mạch lạc.
Trong quá trình tọa đàm, nghe trao đổi của các khách mời khác, tôi lại một lần nữa khẳng định những điều đã nói khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Viễn Kiến từ hai tuần trước. Nhưng mà tôi thấy rất tiếc.
Có thể họ cho là không quan trọng, nhưng tuyệt đại bộ phận tác giả văn học mạng đều chưa xây dựng một kiến giải về quan điểm sáng tác cho chính mình. Nhiều tác giả khi nhìn nhận bản thân đều đã tự coi thường mình khi dựa vào quan điểm tiêu dùng, cung sao cầu nấy của nhà xuất bản, rất thiếu định hướng riêng. Tuyên bố là có, nhưng thông thường là do chưa nhận thấy trạng thái phụ thuộc của mình mà thôi.
nói cụ thể hơn tức là có các tuyên bố hoặc hành động sau đây, nhưng không nhất định đồng thời tất cả:
một là, cho rằng động cơ sáng tác của mình rất đơn giản, chỉ là thích viết thôi.
Hai là, cho rằng bản thân viết truyện tình cảm chỉ là giải pháp tạm thời, mai kia chiếm được tình cảm độc giả rồi mới truyền bá đạo lý lớn lao.
Ba là, cảm thấy nếu không phải là văn học nhẹ nhàng, thậm chí nếu không theo đề tài tình cảm thì không thể đến với phần lớn độc giả.
Bốn là, thấy có người phê phán văn học mạng hầu hết rất tệ, liền cho rằng văn học mạng bị đàn áp, và rồi tự vệ thái quá.
Năm là, tôi viết về “cảm xúc”.
Thế nhưng, đơn giản kiểu này kỳ thực không hề đơn giản. Chỉ cần có điều số một, thêm với những điều khác, là sẽ rơi vào tình trạng tự mâu thuẫn. Việc tuyên bố điều số một có thể khiến bản thân ở vào trạng thái lười biếng kiểu: “anh cứ việc đánh tôi đi nào”, đó là thứ vỏ bọc tiện lợi nhất đối với rất nhiều cây bút. Tự đánh giá thấp mình trước, thì có vẻ như đã sẵn sàng trước mọi phê phán.
Tôi không hề coi thường những người cầm bút để nuôi miệng, cũng không cho rằng kiến giải theo quan điểm tiêu dùng là không thỏa đáng. Chẳng hạn kinh nghiệm từ các bài phỏng vấn Thái Trí Hằng cho thấy, quan điểm của anh hết sức tiêu dùng, nhưng cũng vẫn tạo được một cái nhìn hoàn chỉnh về bản thân.
Nhưng đa số người sáng tác đều là ai bảo sao thì mình nói vậy, vay mượn các kiến giải sáng tác của nhau, hoặc cùng phụ thuộc vào một kiến giải sáng tác đó, và không còn cho thấy bóng dáng của cái gọi là con người sáng tạo nữa. Lấy chỗ đứng mà nhà xuất bản sắp đặt cho mình theo quan điểm tiêu dùng làm điều chân thật, lâu dần sẽ không trở lại là chính mình được nữa.
Vì sao nhiều người không xây dựng triết lý sáng tác cho riêng mình? Hay là sợ triết lý đó không được đón nhận? Hoặc cho rằng ngoài sáng tác ra thì tất tật mọi thứ kể cả quan điểm hay suy nghĩ về sản phẩm sáng tạo đều không cần thiết?
Khi nhận thấy có một vẻ kiêu hãnh ở Mậu Tây, trong lòng tôi rất vui, và cũng nói thẳng với Mậu Tây tôi rất thích vẻ kiêu hãnh toát lên của chú ấy. Nếu người viết tự tin, chưa bàn đến chuyện có đủ tư cách đó hay không, thì vẫn tốt biết mấy!
Kiến giải về bản thân của tôi vẫn còn đang thay đổi, nhưng hình hài đã ngày một rõ nét.
Đối với tôi, tìm thấy lý do và định hướng sáng tác có ý nghĩa rất quan trọng, dù sao thì cái kiểu “viết một hồi, chợt thành công” thực ra rất kém cỏi, rất không lãng mạn. sự thành công đạt được một cách vất vả sau những nỗ lực có ý thức thì mới đủ sâu sắc, mới có vị kiềm mặn của mồ hôi… mới có chất lãng mạn của người đàn ông.
2/12/2004
Cú điện thoại của anh cả gọi từ bệnh viện sáng hôm qua làm tôi hết vía.
Anh đứng ngoài nhà vệ sinh chờ mẹ, chờ rất lâu không thấy bên trong động tĩnh gì, anh cảnh giác mở cửa đi vào trong, phát hiện mẹ đã nằm trên sàn, cong như con tôm, đang run rẩy miệng nói ú ớ, trán bên trái có một vết thương đang chảy máu không ngừng.
Anh cả hoảng hồn, nhưng vẫn cố hết sức giữ bình tĩnh, bấm chuông cấp cứu gọi mấy y tá đến, xử lý được vết thương trên trán mẹ.
May mà mẹ không chốt cửa, nếu không hậu quả thật không dám tưởng tượng.
“Có lẽ là hạ huyết áp tư thế.” Anh cả do dự phỏng đoán, rồi lại dặn thêm: “Chiều nay em cùng với ba đem áo của mẹ đi hốt vía, xem có cần qua đình Quán âm làm lễ nữa không, có thời gian nhớ niệm chú Dược sư cho mẹ.”
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian